Dự án khởi nguồn từ hình thái nhà ở năm gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi hình ảnh ban thờ tổ tiên, hiên nhà và sân trước từng là những không gian trung tâm trong đời sống gia đình Việt. Thay vì sao chép lại hình thức cũ, công trình lựa chọn kế thừa cấu trúc tổ chức không gian truyền thống và tái hiện tinh thần bản địa thông qua một ngôn ngữ đương đại, phù hợp với điều kiện sống và nhu cầu mới.
Từ cuối thế kỷ XX đến nay, cùng với biến chuyển kinh tế và xã hội, kiến trúc nông thôn miền Bắc đã trải qua một làn sóng thay đổi mạnh mẽ. Những nếp nhà ba gian, năm gian dần bị thay thế bởi biệt thự hai, ba tầng hoặc nhà ống đô thị hóa, phá vỡ sự đồng nhất của không gian làng truyền thống. Trong bối cảnh ấy, dự án là một phản ứng kiến trúc có chọn lọc, không phủ nhận hiện đại, nhưng chủ động gìn giữ và chuyển hóa bản sắc.
Gian trung tâm tiếp tục là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi lưu giữ ký ức và khẳng định trục thiêng của không gian. Bếp và khách được tổ chức thành một không gian sinh hoạt chung mở rộng, trong khi các gian ngoài được phân chia thành bốn phòng ngủ, đảm bảo riêng tư cho các thành viên trong gia đình. Hiên nhà không chỉ là khoảng đệm chuyển tiếp giữa trong và ngoài mà còn là không gian kết nối: nơi nghỉ ngơi, giao tiếp và tiếp nhận gió trời. Sân lớn trước nhà vẫn giữ vai trò là không gian cộng đồng của gia đình, nơi sinh hoạt mùa vụ, nơi họp mặt trong những dịp giỗ tết. Hệ mái ngói đỏ truyền thống được sử dụng như một tuyên ngôn hình thức rõ ràng, tạo nên sự cân đối và hài hòa với bối cảnh nông thôn bản địa.
Bình luận
(0)