Dự án bắt đầu từ một cuộc trò chuyện thân mật giữa gia chủ và kiến trúc sư vốn là người bạn lâu năm của gia đình. Ban đầu, đề bài đặt ra là thiết kế một ngôi nhà cho một người đàn ông độc thân, với hình khối mạnh, góc cạnh, và mang sắc thái trầm lắng. Tuy nhiên, quá trình thiết kế chưa hoàn tất thì cuộc sống đã có bước ngoặt: gia chủ kết hôn. Ngôi nhà vì vậy không còn là chốn đi về của một người, mà trở thành mái ấm cho một gia đình trẻ đang lớn dần (dự kiến có tới 5 thành viên).
Sự chuyển dịch này đã kéo theo thay đổi trong tư duy thiết kế: từ nét cô độc, lãng tử ban đầu chuyển sang một hình thái trong sáng, mở rộng và ấm áp hơn. Tổng thể kiến trúc lấy cảm hứng từ biệt thự Pháp ở Đà Lạt, nhưng được chiết trung hóa để phù hợp với đời sống đương đại và khí hậu cao nguyên. Mái ngói đỏ dốc không chỉ tái hiện đặc trưng địa phương, mà còn gợi nhắc cảm xúc mơ màng đặc trưng của Đà Lạt. Công trình đặt mình một cách khiêm nhường trong cảnh quan, như một lời cảm tạ vùng đất đã trở thành nơi chốn thuộc về.
Không gian nội thất sử dụng bảng màu trung tính, với màu trắng làm nền và các chi tiết gỗ được đặt để tinh tế – từ tay vịn, mặt bàn, cho đến cửa tủ được “may đo” riêng biệt. Kết cấu phòng khách – bếp – ăn được tổ chức mở nhưng phân tầng cao độ: khu bếp và bàn ăn được nâng cao một bậc so với phòng khách, tạo nhịp điệu chuyển tiếp mà không cần đến tường ngăn. Các chất liệu lát sàn gồm gạch hoa văn, gỗ sồi đóng vai trò như những “lằn ranh mềm” giúp nhận diện không gian mà không phá vỡ sự liên tục.
Chi tiết nổi bật nhất nằm ở tầng ba, nơi bố trí không gian làm việc và trưng bày cá nhân. Tại đây, chiếc cầu thang đỏ tạo nên một điểm nhấn mang tính tuyên ngôn, khác biệt hoàn toàn với các chi tiết còn lại trong nhà. Không gian này được định hình như một nhà kính nhỏ: tràn ngập ánh sáng tự nhiên, bao quanh bởi cây xanh, nhưng vẫn giữ được cảm giác ấm áp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Đà Lạt.
Thách thức lớn nhất trong quá trình thiết kế không nằm ở hình khối, mà ở khả năng thích ứng khí hậu, cái lạnh vốn hấp dẫn với du khách nhưng lại là bất tiện cho người địa phương. Đáp lại, nhóm thiết kế gia tăng diện tích các cửa mở để đảm bảo mỗi không gian sinh hoạt đều có tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên và khả năng đón nắng - yếu tố tối quan trọng giúp không gian luôn có nhiệt và “sinh khí”.
Quan điểm “tính trung thực của vật liệu” được duy trì xuyên suốt. Gỗ thô, đá chưa mài hoàn thiện, gạch nung nguyên bản, tất cả đều hiện diện như một sự tôn vinh vẻ đẹp không hoàn hảo. Nhiều vật liệu được tái sử dụng từ công trình cũ hoặc được khai thác theo phương pháp thủ công, nhằm đưa chất “người” và dấu vết thời gian vào từng chi tiết. Những viên gạch thô nơi mặt tiền là vật liệu lấy từ ngôi nhà cũ của gia chủ tại Sài Gòn như một ký ức được mang theo.
Các thanh đà gỗ cũ cũng được chọn lọc và lắp đặt trở lại, không chỉ vì lý do công năng mà như một cách tưởng niệm cá nhân. Trong điều kiện khí hậu ẩm, vật liệu mang dấu vết thời gian giúp công trình nhanh chóng đạt đến độ ổn định về cảm xúc và thẩm mỹ.
Bình luận
(0)