Nằm giữa khu dân cư đông đúc và giáp các trục giao thông lớn, nhà OM không chọn cách phô diễn hình khối hay mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài. Trái lại, căn biệt thự hướng nội, tập trung vào tổ chức một đời sống yên tĩnh, nơi ánh sáng tự nhiên, cây xanh và không khí trong lành trở thành nền tảng cho trải nghiệm không gian.
Khoảng trống chính là yếu tố then chốt định hình kiến trúc ngôi nhà. Với mật độ xây dựng chỉ 47%, các không gian sống được bao quanh bởi vườn cây ăn trái, hồ bơi, sân vườn và khoảng hiên rộng – những lớp đệm khí hậu giúp ngôi nhà vận hành như một hệ sinh thái khép kín. Tường đá sa thạch chạy xoắn ốc quanh nhà như một “lớp vỏ thứ hai”, vừa bảo vệ sự riêng tư, vừa định hướng luồng chuyển động bên trong.
Ngôi nhà chủ động “đóng” với phố, nhưng “mở” hoàn toàn với thiên nhiên bên trong. Các phòng chức năng được sắp xếp theo chuỗi liên hoàn từ khép kín đến mở thoáng, hướng về khu vườn. Trục Z liên kết phòng khách, bếp và thư viện tạo thành một dòng chảy mềm mại, nơi ánh sáng len lỏi từ nhiều phía và gió từ hướng Đông Nam có thể xuyên qua ngôi nhà mà không gặp cản trở.
Ở tầng trên, khoảng thông tầng lớn đóng vai trò trung gian giữa các không gian riêng tư, nơi mọi chuyển động ánh sáng, âm thanh và không khí đều được cảm nhận một cách mạch lạc. Vật liệu địa phương như đá bazan, gỗ teak, trần bê tông thô kết hợp hài hòa để mang lại cảm giác gần gũi, thư thái. Công trình này không theo đuổi những biểu hiện hình thức mới mẻ. Trái lại, nó là một dẫn chiếu thầm lặng đến một lối kiến trúc đã rất phổ biến trong bối cảnh Việt Nam: hướng nội, nhiều sân vườn, thông gió tự nhiên, ánh sáng gián tiếp và tổ chức không gian theo nhịp sinh hoạt truyền thống. Điểm khác biệt nằm ở ngôn ngữ hiện đại và sự tiết chế trong xử lý vật liệu giúp công trình giữ được tinh thần đương đại mà không làm mất đi tính bản địa.
Bình luận
(0)